CEO Vinasamex và những ‘khúc cua’ trên hành trình chinh phục organic

Kinh doanh tạo tác động xã hội đang trở thành một xu hướng trong những năm gần đây bởi tính bền vững của nó, đặc biệt là khi thế giới bước vào một trạng thái đầy bất ổn. Đi trước thời cuộc, khi khái niệm kinh doanh tạo tác động xã hội vẫn còn quá mới mẻ ở Việt Nam vào 10 năm về trước, CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền đã là một trong những người tiên phong dẫn lối như một sứ mệnh dù thời điểm đó gặp phải muôn vàn ánh mắt nghi ngại, dù chính bản thân chị cũng chưa gọi tên được con đường mình đang đi.

Chị chỉ biết rằng, kinh doanh là phải mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội. Trên hành trình mang thương hiệu quế, hồi hữu cơ (organic) Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, chị lựa chọn đồng hành cùng người nông dân nghèo vùng núi cao bởi họ xứng đáng được làm giàu từ những giá trị tinh túy của cây quế, cây hồi chắt chiu từ chính tình yêu và giọt mồ hôi lao động.

Từ vài hộ nông dân ban đầu, đến nay Vinasamex đã ký với 3.000 hộ nông dân hợp đồng bao tiêu trực tiếp trong chuỗi giá trị hữu cơ. Nhờ thay đổi tư duy và cách làm, cuộc sống của những người nông dân ngày càng sung túc hơn. Cách đây 5-6 năm thu nhập của họ chỉ 7-10 triệu/ha, nhưng bây giờ thu nhập của mỗi hộ là 150 triệu/ha.

“Vạn sự khởi đầu nan” nhưng với chị Huyền, “kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Kiên định với sứ mệnh đã chọn, chị từng bước chứng minh con đường đang đi là đúng dù không ít gập ghềnh.

Năm 2016, Vinasamex đã đạt bốn chứng nhận hữu cơ quốc tế cao nhất của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhận Bản, Hàn Quốc, khẳng định chất lượng của Vinasamex có thể đáp ứng được cho toàn thế giới ở chất lượng cao nhất.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì Covid-19, doanh thu Vinasamex vẫn tăng gần 60% trong năm 2021. Hiện công ty này đang có bốn vùng nguyên liệu chính (Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn). Vinasamex cũng vừa ký kết MoU với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để phát triển 20.000ha quế, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 – 500 lao động địa phương.

Đến thăm Vinasamex một ngày mưa xuân cuối tháng 3/2022, không khí làm việc tại văn phòng Vinasamex ở thôn Vàng (Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn rất nhộn nhịp dù cuối tuần. Sau mười năm hình thành và phát triển, giờ đây, Vinasamex đang chuẩn bị lộ trình rất rõ ràng để bước sang một trang mới với những hoài bão lớn.

Hình như chị và đội ngũ đang rất bận rộn?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Vinasamex đang chuẩn bị khởi động lộ trình bốn năm với bốn vòng gọi vốn để chuẩn bị cho kế hoạch IPO sẽ diễn ra vào năm 2026. Ngày 7/4/2022, chúng tôi sẽ tổ chức vòng gọi vốn đầu tiên và duy nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân. Ba vòng sau sẽ chỉ dành cho các quỹ đầu tư và ngân hàng.

Sự kiện ngày 7/4 đánh dấu mốc quan trọng của Vinasamex trong chặng đường tiếp theo nên chúng tôi phải dồn sức chuẩn bị. Từ trước đến nay, tôi xác định mình phải luôn sáng tạo và khác biệt. Buổi gọi vốn tới đây sẽ mang lại cảm xúc và trải nghiệm khác biệt so với bất kỳ sự kiện gọi vốn của công ty nào khác ở Việt Nam.

Đằng sau kế hoạch gọi vốn, Vinasamex IPO còn nhằm hai lý do. Một là tạo sân chơi cho các nhà đầu tư được tham gia tạo tác động xã hội, bên cạnh yếu tố lợi nhuận. Hai là trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị và tinh dầu hữu cơ đầu tiên lên sàn. Sau khi lên sàn ở Việt Nam, chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế, khẳng định vị thế và thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản.

Chuẩn bị bước sang trang mới, chị nghĩ hành trình 10 năm vừa qua là giai đoạn phát triển hay giai đoạn chuẩn bị cho một sự lột xác?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Có lẽ là cả hai. Phải phát triển đến một tầm nào đó, có đủ nền tảng mới có thể bứt phá. Đó là một chặng đường phát triển nhưng cũng là sự chuẩn bị vì IPO cũng không phải là đích đến cuối cùng, nó là sự mở đầu cho các bước tiếp theo.

Chị đang trong tâm thế như thế nào, hồi hộp, lo lắng hay hào hứng phấn khích chuẩn bị cho buổi gọi vốn đầu tiên?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Tôi không hề có sự lo lắng hay hồi hộp vì tôi nhìn rõ được cái đích mình muốn đến và con đường mình đang kiên định bước đi trong suốt 10 năm qua. Bây giờ tôi đang rất háo hức và tin tưởng vào những gì cả đội ngũ Vinasamex đang cố gắng hướng đến.

Nhìn lại hành trình 10 năm đó, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Đó là đưa được Vinasamex đi đến thời điểm này, không phải là vị trí hay quy mô mà là một thương hiệu có hơi thở, có triết lý sống như một con người.

Thành công với tôi không hẳn là lợi nhuận bao nhiêu, mà thành công lớn nhất là cảm xúc mang lại: tôi vui, người nông dân vui, khách hàng vui và khách hàng của khách hàng vui. Sứ mệnh của Vinasamex là kinh doanh tạo tác động xã hội, lựa chọn con đường đó khiến tôi tự hào.

Thời điểm 10 năm về trước, tôi bắt đầu làm một thứ quá mới mẻ, thậm chí người ta nghĩ tôi hoang đường và điên rồ. Nhưng giờ đây, những nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi đã được ghi nhận.

Nói về con đường thì có lẽ chẳng có con đường nào thẳng tắp, sẽ có những lúc lên dốc, xuống dốc và có những đoạn rất quanh co. Đâu là những khúc cua trên con đường mà chị và Vinasamex đã đi qua?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Khúc cua đáng nhớ đầu tiên là lúc xuất khẩu trực tiếp thay vì sơ chế và bán cho các công ty nội địa. Khúc cua thứ hai là xây dựng thương hiệu thành công ở thị trường xuất khẩu đó.

Khúc cua tiếp theo là chuyển đổi từ sản phẩm thông thường sang sản phẩm hữu cơ để tiến vào các thị trường cao cấp thay vì chỉ duy trì ở các thị trường truyền thống. Với chúng tôi, đây là một khúc cua 360 độ vì thời điểm đó có mấy ai hiểu hữu cơ là gì. Người ta đâu biết mình đang làm gì đâu, người ta chỉ nói mình vẽ chuyện, lên vùng nguyên liệu dạy nông dân rồi làm việc với chính quyền, tự nhiên thừa tiền. Làm những việc đó ở mười năm trước thì người ta bảo mình điên rồ là phải rồi.

Thế nhưng nhìn lại quá khứ, tỷ phú Jack Ma trước khi IPO Alibaba thành công trên sàn chứng khoán Mỹ và phát triển công ty mạnh mẽ cũng đã từng bị cho là hoang đường. Đôi khi trong kinh doanh, nó phải không giống ai, phải điên một chút, hoang đường một chút để vượt ra khỏi vùng an toàn thì mới có sự đột phá.

Trên các con đường, có khúc cua do chính con người tạo nên những cũng có những khúc cua được hình thành do yếu tố khách quan. Vậy đâu là những khúc cua mà chị buộc phải đi theo thị trường và thời thế?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Năm 2011, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu trực tiếp và xây dựng thương hiệu ở các thị trường quốc tế như Ấn Độ và Bangladesh. Với 10 tỷ đồng có được từ những dự án kinh doanh trước, chúng tôi mua hàng với mức giá đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Sau khi bán được 3 container có lãi một chút, số hàng còn lại phải để trong kho vì Ấn Độ dừng mua hàng. Một năm sau, họ mua trở lại nhưng giá bán chỉ được bằng 1/3 giá nhập. Chúng tôi đã chịu lỗ rất nhiều.

Đó là một tình huống ngoại cảnh buộc chúng tôi phải chuyển đổi. Xác định không thể phụ thuộc vào một thị trường mà thị trường đó lại chỉ quan tâm về giá thay vì giá trị. Chúng tôi phải thay đổi, chú trọng vào chất lượng để tìm kiếm thêm thị trường và khách hàng tiềm năng khác.

Rồi trong quá trình phát triển, doanh nghiệp càng lớn, càng xuất hiện những vấn đề về nhân sự buộc chúng tôi phải thực hiện tái cấu trúc để đáp ứng kỳ vọng trong tương lai. Hay trong quá trình sản xuất, chúng tôi phải nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đáp ứng được những yêu cầu rất đặc biệt của khách hàng khi đối thủ đang không làm được.

Còn việc IPO là một lựa chọn “lột xác” cho Vinasamex để tối đa hoá giá trị và khẳng định vị thế của nông sản Việt. Tôi muốn Vinasamex tiên phong đánh những tiếng trống đầu tiên để tạo cảm hứng và động lực cho các doanh nghiệp nông sản hữu cơ dám mạnh mẽ hơn, dám nghĩ dám làm.

Bên cạnh những khúc cua, người đi đường cũng không ít lần vướng phải ổ gà, thậm chí ổ voi. Chị có thường xuyên gặp phải những ổ voi như vậy?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Việc ôm đơn hàng vào mà không bán được cũng là một ổ voi đáng nhớ đấy chứ (cười).

Những ngày đầu vào sâu trong các vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị với người nông dân, chúng tôi phải đi trên những con đường đất gập ghềnh với nhiều ổ gà và ổ voi chứ đâu được đi trên những con đường bê tông vào tận nơi như bây giờ. Có lần đi gần hết 30km chuẩn bị tới điểm đến nhưng vẫn phải vòng lại đi một con đường khác dài 80km vì vướng phải một ổ voi. Vào vùng nguyên liệu, chúng tôi đâu có khách sạn hay nhà nghỉ để ở, nhiều lần cả đoàn phải ngủ trên xe.

Vào đến nơi, chúng tôi còn nhận được những cái lắc đầu, xua tay từ chính quyền địa phương vì không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác với mình. Mãi sau này có chỉ đạo từ Trung ương, các địa phương mới mở cửa đón doanh nghiệp. Đến gặp người nông dân, họ chẳng tin vào một thứ tương lai với những thuật ngữ mà chưa bao giờ họ nghe đến. Thứ họ cần là lợi ích thấy được ngay trước mắt.

Kể cả đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn phải tiếp tục hành trình tạo sự thấu hiểu và niềm tin cho người dân. Người nông dân thường muốn thu lợi ngay với giá cao nhưng họ không hiểu rằng chúng tôi phải mất tới 2 – 3 năm, thậm chí lâu hơn, mới chốt được một đơn hàng. Vừa chứng minh niềm tin với người dân, chúng tôi cũng mất nhiều thời gian để tạo niềm tin với đối tác.

Rồi việc tìm kiếm thị trường cũng gian nan không kém. So với các quốc gia khác, doanh nghiệp Việt gặp nhiều hạn chế trong việc làm PR, marketing và tìm kiếm khách hàng do hạn hẹp nguồn lực về tài chính và trình độ. Phải thực sự kiên trì mới có thể tìm được khách, phải “xới xáo”, lăn lộn khắp nơi. Hàng năm, Vinasamex tham gia nhiều hội chợ cũng vì lẽ đó. Muốn có khách hàng thì phải xách vali lên và đi thôi, không thể ngồi chờ khách hàng được.

Tôi quan điểm, sau hội chợ không phải xong là về. Tôi sẽ vào các hệ thống siêu thị để nắm bắt xu hướng thị trường, dành thời gian và cơ hội đến tận văn phòng của những khách hàng tiềm năng mới đã liên lạc trước đó để gặp gỡ và giới thiệu sản phẩm.

Có những lúc bố mẹ hỏi tại sao lại làm cái nghề vất vả như vậy, suốt ngày phải lên núi lên rừng rồi bôn ba khắp nơi, kinh doanh gì mà suốt ngày vay tiền. Sẽ có những lúc mọi người không hiểu mình đang làm gì nhưng quan trọng là mình có niềm tin rằng sẽ làm được, cứ kiên định với con đường đã chọn thì sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức.

Chị quan niệm như thế nào về khó khăn và thử thách?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Những khốn khó sẽ định nghĩa bạn là ai và những vết sẹo là thứ khẳng định bạn trước cuộc đời. Con đường đi tới thành công không bao giờ vắng mặt những khó khăn thử thách. Nếu thứ thành công mà bạn đạt được không có bóng dáng của những khốn khó và nghịch cảnh thì tôi nghĩ rằng nó là một điều gì đó, nhưng mặc nhiên không phải là thành công.

Đó là tâm niệm giúp tôi vượt qua thử thách trên con đường kinh doanh của mình, dám bước ra khỏi vùng an toàn, bắt tay xây dựng chuỗi giá trị bền vững với người nông dân nghèo quê hương Việt nam để tạo ra sản phẩm quế, hồi, gia vị hữu cơ cao cấp.

Trong khi kinh doanh tạo tác động xã hội mới chỉ nổi lên ở Việt Nam trong những năm gần đây thì chị đã bắt đầu hành trình được 10 năm về trước. Đó là lựa chọn của người có tầm nhìn đi trước thời đại hay là một sự may mắn ngẫu nhiên?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Tôi không nghĩ nó là may mắn hay tầm nhìn xa, thứ tôi làm xuất phát từ bản thân, bên trong mong muốn làm điều đó, coi đó là sứ mệnh của mình.

Tầm nhìn thì phải là cái gì đó hướng đến lợi ích, có sự mong cầu. Còn may mắn thì cũng không hẳn và không có doanh nghiệp nào coi con đường tạo tác động xã hội là may mắn trong khi người ta còn chưa hiểu nó là gì. Mười năm trước, tôi cũng chưa hiểu nó là gì. Sau này tham gia các hoạt động của CSIP và Oxfam tôi mới vỡ lẽ “thì ra mình đây rồi”.

Có những người vẫn không ngừng đặt ra các câu hỏi “tôi là ai, tôi đang làm gì, sứ mệnh của tôi là gì trong cuộc đời này”. Làm sao chị tìm ra được sứ mệnh của mình và công ty?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Có lẽ là nhờ vào sự may mắn vì trong bất kỳ công việc nào, tôi đều rất rõ cái mình mong muốn và con đường sẽ đi. Tôi luôn đặt tâm mình vào mọi thứ khi muốn làm điều gì thay vì ra quyết định chỉ dựa trên lý trí. Sự kết nối giữa trái tim và tiềm thức khiến tôi sáng rõ. Mặc dù đôi khi bị cảm xúc quá nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là được sống thật với cảm xúc, không phải gạt đi cảm xúc vì một mục tiêu lợi ích nào đó của mình.

Khi dồn tâm vào mọi thứ mình làm thì đều thu về quả ngọt mà không cần phải mong cầu. Hai năm rồi ảnh hưởng Covid, nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng Vinasamex vẫn tăng trưởng tốt nhờ hai nguyên nhân. Một là chúng tôi vẫn dành hết tâm huyết và nỗ lực cho công ty. Hai là nhờ vào quy luật nhân quả. Chúng tôi không phát triển công ty với mong muốn trở nên giàu có mua vài cái xe, vài cái nhà, chúng tôi mong muốn tạo tác động xã hội, vì cuộc sống của những người liên quan tốt đẹp hơn.

Bên cạnh vận hành công ty, tôi cũng đang bận rộn với các dự án phát triển bản thân mà một trong đó là tham gia khóa học về xây dựng thương hiệu. Khác với cách xây dựng thương hiệu thông thường, chúng tôi bắt đầu từ việc tập trung thay đổi và mài giũa nhân cách. Vẻ đẹp bên ngoài phản chiếu cái bên trong. Bên trong tốt và cân bằng thì mọi thứ từ mối quan hệ, tài chính, công việc sẽ tốt theo. Tôi đã có được những thay đổi tích cực sau mười năm, có thể tự quan sát chính bản thân mình để gieo những hạt giống tốt và loại bỏ những hạt giống có hại.

Theo quan sát của chị, chị và các sản phẩm do mình làm ra có gì tương đồng?
Chị Nguyễn Thị Huyền: Hai trong số các câu hỏi tôi phải trả lời khi xây dựng chiến lược định vị thương hiệu là “Nếu Vinasamex là một con người thì bạn muốn con người đó có những tính cách gì” và “Nếu Vinasamex là một con vật thì bạn muốn nó là con vật gì”.
Với câu thứ nhất, tôi muốn Vinasamex có sự phong phú trong tính cách như tôi. Tôi chưa bao giờ ngừng nảy ra các ý tưởng sáng tạo. Có lúc tôi yếu mềm, tình cảm nhưng có lúc rất mạnh mẽ. Sản phẩm mình tạo ra qua quá khô cứng thì không mang lại được cảm xúc cho người dùng nên thương hiệu cần có sự kết hợp giữa mạnh mẽ, kiên cường nhưng cũng tận tâm và tình cảm.
Còn con vật thì tôi chọn con rắn. Rắn là con vật nhanh nhẹn, linh hoạt và thông minh. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải linh hoạt để thích ứng với mọi hoàn cảnh, phải có trí tuệ, đúc kết tâm huyết và trải nghiệm để hướng đến tầm nhìn xa.

Còn sự tương đồng giữa chị với nguyên liệu quế, hồi thì sao?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Không chỉ đơn thuần là cây tạo sinh kế mà quế và hồi còn mang tính văn hoá, có giá trị rất cao trong mảng dược liệu. Người nước ngoài rất trân trọng các giá trị tinh túy mà chúng mang lại.

Cũng tương tự như vậy, tôi nghĩ rằng bên trong mỗi chúng ta đều có một viên ngọc, viên kim cương rất quý ở bên trong đang chực chờ cơ hội được tỏa sáng. Bản thân tôi có sứ mệnh mang lại cơ hội cho các sản phẩm tinh túy này được tỏa sáng, qua đó, tôi cũng thấy sự phát sáng của những giá trị bên trong chính bản thân mình.

Xin cảm ơn chị!

Thực hiện: Đặng Hoa

Thiết kế: Tú Anh

4/4/2022

Nguồn: Theleader

607 Bình luận

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

© 2022 Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Vạn Sơn Thịnh Phát. GPDKKD: 0313701476 do sở KH & ĐT TP.HCM cấp ngày 17/03/2016. GPVSATTP: 92/2019 – BQL ATTP HCM cấp ngày 04/04/2022. Địa chỉ: 93 Trần Não, Phường An Khánh, TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh. Chịu trách nhiệm: Ngô Bích Quyên. Số chứng nhận organic USDA/EU  được cấp bởi tổ chức chứng nhận hữu cơ Quốc tế Control Union: Control Union registration code CU 900475- PRC 156299